Bạn đang ở đây

Đọc sách gì dịp Tết Canh Tý – Xuân 2020?

Bên dưới là 6 tựa sách do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM khuyến nghị, và biết đâu được, một trong số ấy sẽ cùng bạn đồng hành lúc đợi máy bay, ngồi xe về quê, hay khi ngồi nhâm nhi tách trà chờ đến thời khắc giao thừa sum vầy cùng người thân, gia đình...

 

Khảo luận về Tết

Thông qua chuyên khảo này, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng – nhà nghiên cứu được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, văn hóa dân gian Nam bộ như Hát sắc bùa Phú Lễ, Ông Địa - tín ngưỡng và nghi lễ, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần - giải thích nguồn gốc các phong tục ngày tết ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam như các tập tục viết câu đối và chơi chữ, các tập tục kiêng kỵ đầu năm, tục xông đất, tiễn ông Táo về trời, các nghi lễ tế tự ngày Tết từ thời Trần đến thời Nguyễn…

Với Khảo luận về Tết, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã tìm hiểu, đối chiếu từ nhiều tài liệu, góc nhìn, đưa ra những thông tin bổ ích về việc Tết bắt nguồn từ đâu, Tết chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố nào, Tết đã thay đổi như thế nào theo dòng biến chuyển không ngừng của lịch sử, những giá trị truyền thống đang đứng trước thách thức nhịp sống hối hả của hiện đại…, từ đó nhìn thấy tầm quan trọng của Tết đối với lịch sử - văn hóa - đời sống của dân tộc. Bên cạnh những tập tục, lễ hội Tết còn lưu giữ được, có những phong tục đang dần mai một và cần phải tìm hiểu căn nguyên, phân tích và kể lại để một mảng lịch sử không bị mất đi vĩnh viễn, cũng như có chọn lọc trong việc giữ gìn các giá trị.

Ngoài ra, dưới góc nhìn văn hóa tâm linh, Tết còn biểu hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh, theo góc độ mối quan hệ giữ con người và thiên nhiên, Tết đánh dấu thời điểm thay cũ đổi mới của chu kỳ thời tiết khí hậu thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện sự luân chuyển lần lượt các mùa xuân hạ thu đông, và chúng mang ý nghĩa đặc biệt đối với xã hội nông nghiệp.

Có thể khẳng định rằng, đọc “Khảo luận về Tết” là dịp để chúng ta cảm nhận Tết Nguyên đán là một phong tục tốt đẹp vẫn còn duy trì như nét sinh hoạt văn hóa mang những giá trị truyền thống trong nhịp sống hiện đại.

 

Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội

Tập sách vốn là công trình nghiên cứu công phu mà nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cùng nhóm cộng sự thực hiện, điều tra theo phương pháp điền dã trong khoảng 10 năm, chuyên khảo Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội cung cấp cho người đọc những hiểu biết về các hình thức diễn xướng dân gian ở vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa, đặc biệt không thể thiếu múa lân, múa rồng hay hát sắc bùa chúc Tết.

Cụ thể tập sách gồm: các hình thức diễn xướng trữ tình, bao gồm các thể loại dân ca, hò, hát, lý...; các hình thức diễn xướng tự sự dân gian gồm các lối nói vần vè, kể vè, nói thơ, nói tuồng...; các hình thức diễn xướng nghi lễ, gồm hình thức diễn xướng tổng hợp trong lễ hội cúng miễu, cúng kỳ yên ở đình làng, diễn xướng nghi lễ trong các cuộc trai đàn chẩn tế, hát Ông Tổng trong tang lễ và hát sắc bùa chúc tết; các hình thức múa lốt: múa hẩu, múa lân, múa rồng...

Đây có thể xem là kho kiến thức bổ sung vào lỗ hổng về các giá trị văn hóa vốn đang bị lãng quên bởi các hình thức hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội tại vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa gần như đã thất truyền do những nghệ nhân, những con người sống trong thời đại xưa vốn hiện nay đã không còn.

Ngoài ra, tập sách cũng cung cấp nhiều thông tin về khái niệm ngày Tết, ví dụ như: Tết bắt nguồn từ đâu, tết chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố nào, tết đã thay đổi như thế nào theo dòng biến chuyển không ngừng của lịch sử?

Ngoài ra, dịp Tết 2020 – Xuân Canh Tý này, bạn cũng có thể tham khảo cuốn sách mới mang tên Đồng dao và Trò chơi truyền thống.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - chủ biên tập chuyên khảo này cho biết, từ thưở xa xưa, trò chơi dân gian có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta. Những trò chơi truyền thống gắn bó sinh động với đời sống thường nhật, lao động sản xuất, phong tục tập quán,… của người dân Việt Nam từ miền núi đến miền đồng bằng, duyên hải,….

 

Phần lớn các trò chơi đều có mặt trong hầu hết môi trường sinh hoạt, kể cả một số lễ hội. Hay nói cách khác, trò chơi dân gian chính là vòng tròn văn hóa vô hình gắn kết cộng đồng, thu hút rất đông người già – trẻ, nam – nữ tham gia và cổ vũ.

Bên cạnh những trò chơi mang dấu ấn riêng của từng dân tộc, rất nhiều trò chơi mang tính phổ biến hoặc có đôi chút biến tấu để phù hợp với đặc trưng vùng miền. Trò chơi dân gian không chỉ đơn thuần là những trò vui tiêu khiển mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa.

Chính sự đa dạng, phong phú, ý nghĩa thẩm mỹ - nghệ thuật, và tính kết nối cộng đồng của trò chơi dân gian đã tạo nên những nét đẹp trong bản sắc văn hóa từng vùng miền nói riêng, và của cả dân tộc Việt Nam chúng ta nói chung.

Trò chơi dân gian dành cho trẻ em thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, một loại văn vần tự do, ngắn hay dài tùy theo đặc điểm yêu cầu của trò chơi hoặc lặp đi lặp lại không dứt. Những bài đồng dao mang sự hồn nhiên và tinh thần rất vô tư của con trẻ, những bài đồng dao cuốn hút những đứa trẻ cùng hát, cùng cố gắng chơi hết mình, điều chủ yếu không phải là thắng, mà là được chơi, được tham gia cùng bè bạn.

Những bài đồng dao ấy, cùng biết bao trò chơi dân gian, đã hấp dẫn biết bao thế hệ trẻ thơ và đi vào ký ức của biết bao người con dân đất Việt.

Chuyên khảo bên cạnh việc định nghĩa rõ các dạng trò chơi (như trò chơi bắt chước, trò chơi đọ sức, trò chơi thi tài khéo, trò chơi đấu trí, trò chơi may rủi, trò chơi trẻ em), còn giới thiệu danh mục sưu tập trò chơi của vùng Vĩnh Phúc, Hà Bắc, Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Thừa thiên – Huế, Phú Yên – Khánh Hòa, Nam Bộ.

 

Mùa Xuân đợi cuối đường

Tình yêu, và mùa Xuân… luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, và đây cũng chính là tên của tập truyện ngắn đầy lãng mạn vừa được Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM bổ sung vào Tủ sách Thiên đường không tuổi.

Được biết, Tủ sách Thiên đường không tuổi do Nhà xuất bản Văn hoá Văn nghệ TPHCM ấn hành từ năm 2018, khởi đầu là bộ 4 cuốn Tình yêu có màu gì (Từ Kế Tường), Cạn chén tình (Mường Mán), Anh Chi Yêu Dấu (Đinh Tiến Luyện), Tuổi ngọc ngày chưa xưa (Nguyễn thị Minh Ngọc),... nhằm tạo cơ hội cho các cây bút viết cho lứa tuổi hoa mộng nhất đời người hội ngộ.

Ngoài ra, Tủ sách Thiên đường không tuổi còn có hai tập truyện ngắn khác là Đâu phải cái gì cũng mong manh (Đoàn Thạch Biền), Ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn), và Mơ mộng tím (Nguyễn Thái Hải).

Ở tác phẩm cùng tên Mùa xuân đợi cuối đường, tác giả Hà Đình Nguyên đã khéo léo kiến tạo một hình ảnh thật dung dị, thật sáng đẹp đến trong trẻo của tình bạn, rồi đến tình yêu tuổi học trò nơi vùng quê. Tình yêu, đôi khi chỉ đơn giản là nỗi nhớ, là sự trông ngóng mà Nhi dành cho Tâm hằng ngày sau mỗi tờ lịch, là tình làng nghĩa xóm giữa hai gia đình, là lời hẹn ước dù không nói ra nhưng Nhi lẫn Tâm đều khắc ghi rằng khi cội mai vàng trổ bông thì “cả hai không hẹn mà mang mán, biết có mùa Xuân đợi cuối đường”.

Xuân về, mai nở, và đó cũng chính là sắc màu của tình yêu, của một tương lai tươi sáng cho mọi người, cho tất cả chúng ta.

 

Phố chất đầy năm tháng

Tập tản văn – truyện ngắn này có lẽ sẽ khiến những người con Hà Nội đang sinh sống, làm việc ở địa phương khác bỗng chốc “nhớ nhà” da diết. Bởi lẽ, với 99 bài viết đăng trên chuyên mục "Hà Nội tạp văn" của Báo Hà nội mới Cuối tuần trong giai đoạn 2005-2017, xuyên suốt tập sách là các trang viết, những cảm xúc tinh tế, lãng mạn về một Thủ đô Hà Nội cổ xưa và hiện đại, giàu chất thơ nhưng cũng tràn ngập chất liệu thực tế của đời sống xã hội, làm nên hồn cốt Hà Nội.

Các bài viết như "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long" (Văn Công Hùng), "Nắng mới" (Nguyễn Thu Hằng), "Mắt phố" (Nguyễn Quang Hưng), "Nơi tôi gửi lại tuổi thơ" (Nguyễn Thị Hậu)... đều gợi nên niềm thương nỗi nhớ không chỉ trong lòng người đi xa mà cả những người đang sống giữa thành phố, thủ đô nghìn năm yêu dấu...

 

Miền Nam sống đẹp

Vũ Đức Sao Biển, có lẽ là cái tên khá nổi tiếng khi gắn liền với hàng loạt bản tình ca bất hủ như Phượng Ca; Thu, hát cho người,… nhưng dạo gần đây, người nhạc sỹ tài hoa này lại càng khiến công chúng quan tâm bởi dù đang trong giai đoạn kiên trì điều trị căn bệnh mất giọng nói vẫn liên tục cho ra đời hai tác phẩm văn học thể hiện một sự mãnh liệt về cuộc sống, về tình yêu dành cho mọi vùng miền mà tác giả từng đặt chân qua, trong đó có Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tập sách mới nhất mang tên Miền Nam sống đẹp do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM ấn hành, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển đã bộc bạch ở phần lời nói đầu rằng “Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam là miền đất nhân hậu, đáng yêu, và đáng sống”, và ông xem miền Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng như là quê hương thứ hai, một quê hương ruột thịt.

Người nhạc sỹ 72 tuổi, sinh ra ở Quảng Nam, sau hơn 53 năm sinh sống, làm việc ở vùng đất Sài Gòn - TP.HCM thẳng thắn thừa nhận rằng, thông qua tập sách mới nhất, ông muốn được viết về tấm lòng nhân hậu của người Sài Gòn, người phương Nam.

Nơi đây, người và người đối xử với nhau thân thiện, đầy tình cảm đồng bào ruột thịt. Nơi đây, con người hoà điệu sống với nhau một cách tự nhiên, không bị một thứ mặc cảm nào chia cắt, ngăn trở...

Tôi rất biết ơn Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam ruột thịt. Cái giấc mơ lãng mạn thời thanh xuân đã đưa tôi về làm công dân nơi đây, nơi có tiếng nói dễ nghe, khí hậu dễ thích nghi, lương thực thực phẩm dễ mua, việc làm dễ có, thành công dễ gặt hái được, con người dễ kết thâm tình. Được sống ở một nơi tốt đẹp như vậy, tôi nghĩ mình không còn mơ ước gì hơn nữa.

Cũng theo nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển, quyển sách này không phải là hồi ký, mà chỉ ghi nhận lại những sự thật dù rất nhỏ của người Sài Gòn, người miền Nam dành cho tác giả, để qua đó quý độc giả có thể thấy được tấm lòng của người phương Nam, người Sài Gòn – TP.HCM giúp đỡ, yêu thương, quý mến người phương xa đến như thế nào.

Với 21 chương trong tập sách, không dài nhưng cũng không quá ngắn, tác giả đã khéo léo tái hiện một bức tranh hết sức sinh động về cuộc sống, về tình yêu dành cho công việc, gia đình và xã hội của một người nhà giáo, một nhà báo, một nhà văn, nhà thơ lẫn nhạc sỹ. Trong sâu thẳm con tim của nhạc sỹ, Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh là sự da diết ơn tình, là vòng tay giang rộng chào đón cậu sinh viên tỉnh lẻ, là quán bò kho điểm tâm không chỉ ngon, đậm đà mà còn tràn đầy sự tử tế, rộng rãi của người phương Nam khi mà bác gái chủ quán dặn ngay hôm đầu tiên “bữa nào tiền bạc chưa có, cháu muốn ăn cứ ghé nghen. Không có gì mà ngại ngùng”.

Tấm lòng của “người mẹ” Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh thật rộng rãi, và những con đường rợp bóng cây của khu ba trường Đại học Văn khoa , Đại học Nông Lâm, Đại học Dược khoa ngày ấy chính là con đường đưa nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển vào đời, gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh cho đến tận ngày hôm nay.

Ngay những ngày đầu đặt chân đến Sài Gòn, người nhạc sỹ Sao Biển đã thực sự cảm kích lối sống chân thành đầy mộc mạc của hầu hết người dân nơi đây, sự tử tế đến lạ kỳ, dù đó là lời nhắc đến mỗi bến của anh lơ xe, hay sự tận tâm hướng dẫn của cô tiếp nhận hồ sơ nhập học tại Đại học Văn khoa cũng như bác công chức ở Tòa hành chánh quận 5.

Có thể khẳng định rằng, cái nét đẹp văn hóa hành chính công của Thành phố Hồ Chí Minh, ngày ấy và lẫn bây giờ, đó là sự tử tế và mực thước trong cách thức mà những cán bộ, công chức phụng sự nhân dân, phục vụ xã hội. Hay nói theo nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển thì “cuộc sống đã tạo ra những con người mẫu mực, trong đáng, xứng đáng là gương cho lớp trẻ”.

Cái khát khao phụng sự xã hội, có lẽ chẳng bao giờ “tắt lịm” trong lồng ngực của người nhạc sỹ mang tên Vũ Đức Sao Biển ngay khi tác giả bị mất tiếng nói sau một cơn nhồi máu não khiến tắt dây thanh. Từ năm 2018, thông qua những “con chữ” cùng phương tiện làm việc hiện đại như điện thoại thông minh hay máy tính, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển dồn sức để viết, viết và viết, viết để vỡ tung và truyền lửa, lan tỏa cái ý chí kiên cường của một gia đình cựu viên chức, đó là hãy cần mẫn làm việc như con ong hút mật hoa đưa về tổ, làm thơm làm ngọt cho đời.

Tôi nghĩ, đó là một cách trả ơn đời, trả ơn miền đất nhân hậu mà mình đang sống”, nhạc sỹ Sao Biển cho hay.

Ở chương cuối của tập sách, tác giả một lần nữa khẳng định tình yêu dạt dào cho Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, đó là sự tự hào khi là một công dân của Thành phố, một công dân có trách nhiệm và được hưởng nhiều lợi ích chung.

…Tôi đã được sống giữa một cộng đồng con người nhân ái, nhân hậu; được giúp đỡ và tạo cảm hứng để trở thành một nhà báo, nhạc sỹ, nhà văn; có chút đóng góp nho nhỏ vào sinh hoạt văn hóa nghệ thuật rộng lớn của đất nước”, nhạc sỹ mở đầu chương Biết ơn miền Nam nhân hậu như thế.

Sách hiện có bán tại Cửa hàng sách Văn hóa Văn nghệ (88-90 Ký Con, quận 1 - 0903033237), quầy M3 đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình - 028.38224955), cũng như các hệ thống nhà sách trên toàn quốc.

Nguồn: NXB VHVN TpHCM

people like INLOOK.VN fanpage