Bạn đang ở đây
Trung Quốc cứng rắn trong tranh chấp Biển Đông
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thể hiện thái độ cứng rắn về Biển Đông trong trao đổi với các nước ASEAN, điều mà giới quan sát đã dự đoán trước. Ảnh: Reuters |
"Quan điểm của Trung Quốc là bảo vệ chủ quyền, quyền và các lợi ích trên biển là vững chắc và không thể thay đổi được", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên sau cuộc họp với các đối tác ASEAN tại thủ đô của Myanmar.
Ông Vương cho rằng Trung Quốc luôn hành động với sự tự kiềm chế và cảnh báo sẽ "có phản hồi rõ ràng và cứng rắn" với hành động của các nước liên quan mà Bắc Kinh cho là khiêu khích.
Trao đổi với đại diện Philippines, Ngoại trưởng Vương khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng lắng nghe những đề xuất thiện chí, nhưng thúc giục Manila từ bỏ vụ kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc về những yêu sách của Bắc Kinh.
Những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông như hạ đặt giàn khoan trái phép gần Hoàng Sa, thay đổi hiện trạng ở Trường Sa đang khiến các nước láng giềng và thế giới lo ngại.
Cùng tham dự hội nghị với các nước ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông kiềm chế, không tiến hành những hành động có thể làm gia tăng thù địch trên biển. Ông Kerry nói Mỹ chia sẻ trách nhiệm chung với khối ASEAN để đảm bảo an ninh hàng hải của đường biển và cảng có tầm quan trọng toàn cầu này.
"Những gì xảy ra ở đây không chỉ là vấn đề của khu vực và Mỹ, mà còn là vấn đề với tất cả mọi người trên thế giới, thấy một Đông Nam Á tiếp tục phát triển dựa trên quy tắc, dựa trên luật pháp quốc tế", ông Kerry nhấn mạnh.
Dẫn lại Tuyên bố ứng xử DOC mà Trung Quốc và ASEAN ký năm 2002, ông Kerry đề nghị các bên tự nguyện không thực hiện những hành động có thể làm phức tạp hoặc làm tranh chấp căng thẳng thêm.
Trong dự thảo tuyên bố chung hôm qua, các ngoại trưởng ASEAN cho biết hiệp hội này quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông. Tuy nhiên chiều nay các ngoại trưởng vẫn chưa công bố bản tuyên bố cuối cùng.
Ngày mai ngoại trưởng ASEAN cùng các nước đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Nga, Hàn Quốc, Australia và Liên minh châu Âu EU sẽ họp bàn trong diễn đàn An ninh khu vực ARF.
Theo VnExpress