Bạn đang ở đây

Vua Rock "hồi sinh"

Ngày 16/8/1977, cả thế giới sốc khi nghe tin vua rock & roll Elvis Presley (sinh năm 1935) qua đời tại dinh thự Graceland của ông ở Memphis. 34 năm qua, năm nào cũng có hàng ngàn người hâm mộ đổ tới Memphis để tưởng nhớ ông.

 

Nhưng năm nay, bên cạnh việc tưởng niệm Presley, người hâm mộ còn kỷ niệm 55 năm Presley phát hành 2 album đầu tiên (năm 1956), gồm Elvis Presley và Elvis. 2 album này đã đưa Presley đến với hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới.

Bộ đĩa CD mới

Để kỷ niệm năm rất đáng nhớ này, nhà sản xuất âm nhạc đồng thời là chuyên gia catalogue nhạc của vua rock - ông Ernst Jorgensen - cùng đội ngũ của mình đã tuyển chọn một bộ đĩa gồm 5 CD mang tựa đề Young Man With The Big Beat và sẽ phát hành vào ngày 27/9. 

“Đây là bộ đĩa minh chứng cho năm đáng nhớ nhất của lịch sử nhạc rock” - ông Jorgensen nói.

Bộ đĩa này không chỉ gồm 5 CD, mà còn có cả một cuốn sách dày 80 trang kể lại cuộc sống hằng ngày của Presley trong năm 1956 thông qua những bức ảnh, bưu thiếp, thư của người hâm mộ, trang bìa tạp chí và nhiều kỷ vật khác. 

2 đĩa CD đầu tiên trong bộ đĩa gồm các nhạc phẩm lấy từ album đầu tay của ông mang tên Elvis Presley và albumElvis (cùng được phát hành năm 1956), trong đó gồm những ca khúc nổi tiếng nhất của Presley, như Heartbreak Hotel, Blue Suede Shoes, Don’t Be Cruel, Hound Dog, Love Me Tender... 

Những giai điệu kể trên được thu âm ở New York, Memphis, Nashville và Hollywood. Chỉ riêng năm 1956, lượng đĩa bán ra của 2 album nói trên đạt 800 ngàn bản, còn lượng đĩa đơn đạt 10 triệu bản. 

Với lối trình diễn gây cuốn hút, giọng ca đầy sâu lắng và những tình khúc đi vào lòng người, Presley đã tạo được một chỗ đứng độc đáo bên cạnh các nhà tiên phong của dòng rock cùng thời với mình như Chuck Berry, Little Richard, Bill Haley, Fats Domino. “Presley đã thay đổi toàn bộ nền kinh doanh âm nhạc ở Mỹ chỉ trong 12 tháng” - Jorgensen nhận định. 

Trong khi đó, đĩa CD thứ 3 gồm những nhạc phẩm được thu âm trực tiếp từ chương trình hòa nhạc của Presley ở Shreveport hồi tháng 12/1956 và một buổi hòa nhạc ở Las Vegas. Những bản thu âm này chưa hề được phát hành và giờ đây, khi được đưa vào đĩa CD mới, chúng đã được xử lý lại. Jorgensen cho biết ông luôn tìm kiếm những “viên ngọc” chưa được phát lộ và như vậy âm nhạc của Presley lại trở nên mới mẻ với lượng fan lâu năm. 


 

Còn đĩa CD thứ 4 sẽ gồm các bản thu âm mà “vua rock” xúc tiến hồi tháng 1 và tháng 2/1956. Đĩa thứ 5 sẽ là các cuộc phỏng vấn Presley, qua đó bộc lộ tâm trạng của vua rock giữa vô vàn những lời chỉ trích, chủ yếu nhằm vào định kiến giai cấp và xã hội. 

“Trước Presley, thiên hạ chẳng có gì” 

Presley xuất thân từ một gia đình nghèo ở Tupelo, Mississippi, miền Nam nước Mỹ và bất cứ người hâm mộ nào của ông cũng biết câu chuyện chàng trai trẻ này đã khởi dựng sự nghiệp âm nhạc của mình vào năm 1954 bằng việc tới hãng Sun Records để thu âm nhạc phẩm My Happiness mừng sinh nhật mẹ. Hãng thu âm Sun được ông Sam Phillips sáng lập để dành cho các nghệ sĩ da màu đang nổi lên trong khung cảnh âm nhạc của đầu những năm 1950. Thời điểm đó, các nghệ sĩ của Sun Records như huyền thoại B.B. King, Howling Wolf và Arthur “Big Boy” Crudup đã có một lượng fan người da màu hùng hậu và thậm chí chiếm được nhiều cảm tình của người da trắng.

Lúc đó, mong ước của ông Phillip là có một nghệ sĩ da trắng thu âm tại hãng của mình và Presley là người đã biến mong ước của ông trở thành hiện thực. Chàng trai Presley khi ấy là một công nhân tại Công ty Điện Crown ở Memphis. Anh yêu mọi thể loại nhạc, country, R&B, gospel rồi sau đó “kết” rock & roll. 

Khi đã là một ngôi sao âm nhạc, Presley còn muốn trở thành một ngôi sao điện ảnh và thần tượng của ông là Marlon Brando và James Dean. Tuy chưa qua một khóa đào tạo nào về diễn xuất nhưng ông đã tạo ấn tượng ngay từ vai diễn đầu tiên trong phim Love Me Tender (1956). Sau đó, Presley xuất hiện trong 28 bộ phim nữa. Nhiều vai diễn của ông bị giới phê bình chỉ trích thậm tệ trong khi phim lại giành được sự ngưỡng mộ của công chúng như Jailhouse Rock (1957), King Creole (1958) và Charro (1969). 

Sức ảnh hưởng của Presley tới nền văn hóa đại chúng là điều quá rõ ràng. Từ cách đây nhiều năm, nhà soạn nhạc kiêm đạo diễn Mỹ nổi tiếng Leonard Bernstein khẳng định: “Elvis Presley là ảnh hưởng văn hóa lớn nhất thế kỷ 20. Ông đã thay đổi mọi thứ, từ âm nhạc, ngôn ngữ tới trang phục. Ông tạo nên một cuộc cách mạng xã hội mới”. Còn cựu thành viên nhóm The Beatles - John Lennon - khi sinh thời từng nói: “Trước Presley, thiên hạ chẳng có gì”. 

people like INLOOK.VN fanpage