Bạn đang ở đây

Nghĩ về sự cân bằng từ một miền ký ức…

Cách đây một năm, cũng dịp tháng 9 này, người yêu mỹ thuật ở Hà Nội hẹn nhau tới xem tranh của họa sĩ Đào Hải Phong ở Nhà hát lớn.

Tối 7/9, triển lãm Cân bằng khai mạc tại khách sạn L'Opera (29 Tràng Tiền), khi người viết vừa dùng cụm từ "lần thứ hai" với họa sĩ Đào Hải Phong, dù đang bận với những cú điện thoại và những lời chào của khách khứa, chàng họa sĩ ở cái tuổi ngoài 40 vẫn đủ khả năng "phân thân" để "đính chính" với phóng viên: "Năm ngoái là một chương trình nghệ thuật, một sự kiện đúng điểm rơi 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và tôi chỉ chọn những bức tranh vẽ về Hà Nội. Lần này khác, lần này là một triển lãm mỹ thuật thực sự. Và mọi người tới đây cũng được xem tranh của tôi một cách nghiêm chỉnh".

Bởi chính anh cũng phải thừa nhận "một phần nổi tiếng không hay ho gì để khoe là một trong những họa sĩ Việt Nam bị chép và nhái tranh nhiều nhất hiện nay". Thậm chí, xin mượn bài viết này để "nhắn tin" với họa sĩ rằng không ít người đã tới xem triển lãm của anh mà không tránh khỏi cái tâm lý đôi khi thốt ra thành lời nói nhỏ: "Trông quen quen...".

 

Tác phẩm Phố huyện của Đào Hải Phong.

 

Quen quá đi chứ. Bao nhiêu ngôi nhà đang trang trí nội thất bằng những bức tranh "phong cảnh "dân gian mới" (cách gọi của nhà nghiên cứu Nguyễn Quân về tranh của họa sĩ Đào Hải Phong trong cuốn Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX xuất bản năm 2010)? Bao nhiêu cửa hàng bán tranh trên phố Nguyễn Thái Học đang có những "công nhân chép tranh" đang tay cầm cọ tay cầm... ảnh để chép lại lại những bức tranh của anh mà có lẽ chính họ cũng không biết tên của chúng là Hoàng hôn, Đêm đỏ, Mùa thu nào? hay Mùa bình yên?, Quen thật... bởi sau buổi khai mạc triển lãm của anh, khi người viết đưa cuốn catalogue cho một người bạn trong bữa rượu đêm, anh giậtmình bảo: "Cách đây mấy năm, mẹ tôi có mua một bức tranh theo phong cách đúng của họa sĩ này. Giá cũng chẳng rẻ... Chết thật, hay là...".

Người viết muốn kể lại câu chuyện nhỏ trong lần đầu tiên được ngắm tranh của anh. Lần đó đánh liều hỏi sao tranh của Đào Hải Phong thường có sự phản chiếu. Từ phản chiếu của dòng sông tới phản chiếu của những con đường... "Tranh của tôi mang dấu ấn của ký ức. Miền ký ức đó gắn bó với Hà Nội, với những vùng nông thôn, với quê hương. Miền ký ức đó như cái cây được gây mầm khi tôi còn là một đứa trẻ và chăm bón, tưới tắm khi tôi lớn lên và trở thành một họa sĩ". Với họa sĩ, sáng tạo nghệ thuật của họ có lẽ không gì hơn ngoài miền cảm xúc. Và miền cảm xúc của Đào Hải Phong là miền ký ức?

Triển lãm Cân bằng không chỉ có tranh của Đào Hải Phong, còn có ảnh của Ngọc Thái, một tay máy nhiều năm gắn bó với làng quê Bắc bộ. Xem tranh người này và xem ảnh người kia, càng cảm thấy thấm hơn, chắc hơn với bản thân về một miền ký ức, về cái thông điệp cân bằng đáng suy nghĩ. Cây cầu đá, những người đàn bà nón lá, đụn rơm quê của ảnh Ngọc Thái hay những mái nhà, cây và thuyền và đặc biệt cái dáng chiều chạng vạng của tranh Đào Hải Phong. Giờ còn không?

 

Tác phẩm Mùa thu nào? của Đào Hải Phong.

 

Tác phẩm Mùa bình yên của Đào Hải Phong.

 

Tác phẩm Cầu đá làng Nôm của Ngọc Thái.

 

Tác phẩm Hà Đông của Ngọc Thái.

 

Tác phẩm Sơn Tây của Ngọc Thái.

 

Theo SGTT

people like INLOOK.VN fanpage