Bạn đang ở đây

Kẽm - nguyên tố “đàn ông”

Chắc hẳn đã hơn một lần bạn nghe đến việc đàn ông thường tránh hoặc ăn một số loại làm yếu hoặc tăng khả năng sinh lý. Điều đó có thể đúng hoặc sai, nhưng không thể bỏ qua kẽm, bởi nó được coi là nguyên tố vi lượng "đàn ông".

 

 

Chế độ dinh dưỡng với đầy đủ các nguyên tố vi lượng, vitamin và khoáng chất từ lâu được xem là chìa khóa để có một sức khỏe tốt. Kẽm là một trong những nguyên tố cơ bản, nó chịu trách nhiệm trong hoạt động của gene chứa thông tin ở các tế bào. Kẽm tạo nên các hormon kiểm soát sự phát triển của cơ thể, trong đó có hormon sinh dục nam Testosteron.
Vì thế, lượng kẽm có trong cơ thể nhiều hay ít ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ sinh hoạt tình dục, sinh lực và khả năng duy trì nòi giống ở nam giới. Mỗi lần "thăng hoa", cơ thể người đàn ông có thể mất đi tới 420mg kẽm. Mỗi miligam tinh dịch có tới 150mcg kẽm, nhiều hơn tất cả các nguyên tố vi lượng khác trong cơ thể. Nếu lượng kẽm không được đảm bảo thì số lượng tinh trùng giảm từ 40 -50%, có thể làm mất khả năng sinh sản. Vì thế, kẽm không "hổ danh" là trợ thủ đắc lực của đàn ông. Bổ sung kẽm là điều cần thiết để cho tinh trùng khỏe mạnh và phòng tránh các vấn đề vô sinh ở đàn ông.
Các chuyên gia cũng cho rằng, kẽm còn có khả năng kích thích việc sản sinh ra một loại protein có tác dụng làm "tê liệt" cadmium, một tác nhân nguy hiểm gây bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

 


Kẽm có nhiều trong thịt, cá, thức ăn biển, giàu kẽm nhất là con hàu, ngao, sò. Kẽm cũng có trong các loại ngũ cốc, rau khô và hạt có dầu, nhưng cũng như sắt, nó khó được hấp thu từ các thức ăn thực vật. Trong khi đó, chất xơ trong bắp, hạt, mầm đậu nành lại ngăn cản khả năng hấp thu kẽm. Ngoài ra, kẽm cũng bị "át" mất khả năng hấp thụ nếu có sắt "đi cùng", tốt nhất là tránh bổ sung hỗn hợp cả kẽm và sắt.
Dấu hiệu thiếu hụt kẽm rõ nhất là ở móng tay dễ bị gãy hoặc chậm mọc, có vết trắng, da khô, giảm sự ngon miệng, giảm vị giác, chậm liền sẹo, chậm mọc tóc hay dễ rụng tóc.
Đàn ông thiếu kẽm thì giảm khả năng sinh sản, phụ nữ có thai có thể gia tăng những biến chứng của thai nghén, còn trẻ em thì chậm phát triển. Với người già, về lâu dài thiếu kẽm góp phần làm giảm độ dày của da cũng như nhanh tan khối cơ, loãng xương...
Vì vậy, dù được coi là nguyên tố của đàn ông nhưng nó không thể thiếu đối với cơ thể ở mọi lứa tuổi. Tầm quan trọng của nó cũng như sắt. Tuy nhiên, thiếu kẽm xảy ra nhiều hơn so với sắt, song cho đến giờ nó vẫn bị đánh giá thấp hơn so với vị trí của nó trong cơ thể.
Thông tin thêm: Nhu cầu kẽm ở các lứa tuổi (mg/ngày)
• Trẻ còn bú cần 6mg.
• Trẻ từ 1 - 9 tuổi cần 10mg.
• Trẻ từ 10 - 12 tuổi cần 12mg.
• Thanh thiếu niên từ 13 - 19 tuổi (nam) cần 15mg.
• Thanh thiếu niên từ 13 - 19 tuổi (nữ) cần 12mg.
• Người lớn nam cần 15mg.
• Người lớn nữ cần 12mg.
• Phụ nữ có thai cần 15mg.
• Phụ nữ cho con bú cần 19mg.
• Người già cần 12mg.

 

Theo ĐS&GĐ


 

people like INLOOK.VN fanpage